Nguyên nhân của tình trạng này được các đại biểu đưa ra tại hội nghị tổng kết ngày 24/7 là do hiệu quả từ trồng mía thấp hơn so với một số cây trồng khác, như gạo, sắn, cà phê, cao su…. Theo tính toán của người nông dân, 1 ha mía ở thời điểm được giá, mới cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, bằng khoảng 50% giá trị thu nhập từ cây sắn. Trong khi đó, giá vật tư, phân bón tăng cao, làm giá mía khó bù đắp được chi phí sản xuất.
Diện tích trồng mía bị thu hẹp, diện tích mía còn lại không được đầu tư chăm sóc tốt. Vì vậy, sản lượng và năng suất mía đều bị giảm.
Hiện nhiều nơi nông dân đã tự phát chuyển sang cây trồng khác, khiến nhiều nhà máy chế biến có nguy cơ thiếu nguyên liệu, công suất tính toán cả nước chỉ đạt 79%, tương đương với 12,4 triệu tấn mía.
Tình trạng buôn lậu đường với lượng lớn gia tăng liên tục, đã làm cho việc sản xuất, kinh doanh của các nhà máy đường càng khó khăn hơn, không ít nhà máy rơi vào tình trạng thua lỗ. Hiện bình quân giá đường thế giới so với giá đường trong nước chênh lệch khá cao, khoảng 2.000 đồng/kg .
Niên vụ 2008-2009 sẽ có thêm 2 nhà máy nữa đi vào hoạt động, như vậy cả nước sẽ có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 105.750TMN.
Hiệp hội mía đường Việt kiến nghị, nâng hoặc định giá sàn cho việc thu mua mía, đường tương xứng để đảm bảo người trồng mía không lỗ và có lãi.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chỉ đạo, giải pháp tập trung là phải tổ chức chăm sóc tốt diện tích mía hiện có để nâng cao năng suất, bù sản lượng mía thiếu hụt do giảm diện tích, đảm bảo sản lượng mía ép cho vụ tới, nhất là việc hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kỹ thuật…
Đồng thời, chú trọng xây dựng vùng trồng mía nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao, trong đó các công ty, nhà máy tích cực, chủ động trong việc quy hoạch, xây dựng dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.